399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Loạn sách “best seller”

Thời gian gần đây, những cuốn sách “thị trường”, sách được gắn mác “best seller” (sách bán chạy nhất) được quảng bá rầm rộ nhằm thu hút sự chú ý của độc giả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các loại sách này đang dần giảm sút niềm tin của nhiều người.

Vô tư gắn mác “bán chạy” Chị Nguyễn Kiều Anh- nhân viên một công ty bất động sản thừa nhận, chị thường chọn mua những cuốn “best seller” nhưng có những cuốn chẳng bao giờ đọc hết bởi dù được gắn mác bán chạy nhất nhưng nội dung những cuốn sách đó lại rất nhàm chán, nếu không muốn nói là “nhảm”. Qua phố Nguyễn Xí, quận Hoàn Kiếm - con phố được mọi người gắn với cái tên “phố sách”, người đọc như lạc vào một mê cung sách. Tại đây hàng nghìn đầu sách của các NXB, được bày bán. Khách hàng đến đây nếu không có sự tìm hiểu và chọn lựa trước thì sẽ rất khó để chọn cho mình một cuốn sách ưng ý. Lý giải cho thực tế này, chủ một cửa hàng sách ở đây chia sẻ, phần lớn khi nhập sách và nhận làm “đầu ra” cho các cuốn sách gồm nhiều thể loại của các NXB, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm đó chính là thị hiếu của người đọc. Có nhiều cuốn sách hay nhưng ngôn ngữ khó hiểu, không phải ai cũng đọc được và cũng khó để hiểu sâu về nó nên số lượng đầu sách bán ra không nhiều. Trong khi đó, nhiều loại sách thị trường, gắn mác “best seller” lại được độc giả tìm mua. Một nhà văn đã từng nhận xét không có cơ sở nào để chứng minh rằng hai khái niệm “bán chạy nhất” và “hay nhất” là một. “Best seller” phản ánh tính thời thượng, còn “hay nhất” nói về giá trị của cuốn sách. Vì thế, “best seller” không phải là “sách hay nhất” như nhiều người nghĩ. Trên thực tế, có nhiều sách hay, những kiệt tác đã trải qua thử thách lâu dài của thời gian, với những ý tưởng lớn và là nguồn cảm hứng bất hủ cho nhiều thế hệ như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay những cuốn nằm trong danh sách “10 tác phẩm hay nhất của mọi thời đại”(xếp hạng của tạp chí Time) như “Hamlet” của Shakespeare, “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoy... kể cả những tác phẩm được giải thưởng Nobel Văn học, như “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Marquez... đang bày bán ở các hiệu sách thường nằm ở chỗ khuất và rất khó bán. Theo nhiều bạn đọc, có nhiều cuốn sách gắn mác “best seller”, nhưng tác giả không đưa ra được một thông điệp mới nào cho người đọc, sau khi đọc xong không đọng lại gì trong lòng độc giả lại chiếm số lượng bán ra khá nhiều. Đấy là do phục vụ thị hiếu của số đông độc giả. Chia sẻ về cách đọc sách của mình, bạn Nguyễn Minh Ánh- sinh viên Học viện Ngoại giao cho hay: “Em thường lên mạng tìm những đầu sách và thử đọc online, nếu hay thì sẽ mua và “để dành”, vì đọc sách không nên chỉ đọc một lần, nhất là sách dạy kỹ năng”. Tuy nhiên do hiện trên thị trường các loại sách “best seller” nhiều vô kể nên Ánh chia sẻ chỉ cần tìm thấy chút thông tin bổ ích hoặc đơn giản cuốn sách giúp mình có thêm động lực trong cuộc sống thì Ánh đã cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đọc được. Còn việc cuốn sách đó có thuộc diện bán chạy nhất và được nhiều độc giả đọc nhất hay không thì Ánh không mấy quan tâm. Sách hay là do bản thân người đọc nó Cách “giật tít” với các tên sách, lời giới thiệu gây tò mò, hiếu kỳ, hấp dẫn,… là cách được khá nhiều NXB áp dụng để tạo hiệu ứng trong cách thức tiếp nhận văn học của độc giả. Bên cạnh đó, mở hội chợ sách, ngày đọc sách, giảm giá, quà tặng, thẻ giảm giá khi mua sách,… cũng là những biện pháp mà một số công ty văn hóa tiến hành. Thậm chí, nhiều nhà sách hiện nay đã có thêm website và thực hiện giao dịch, bán sách online với quảng cáo sách bán chạy nhất, sách được nhiều độc giả lựa chọn nhất… Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh sách cũ trên phố Tô Tịch, quận Hoàn Kiếm nhận xét, mặc dù hiện nhiều cuốn sách được gắn mác “best seller” nhưng liệu có mấy ai biết quyển sách nào thực sự có giá trị, quyển sách nào nội dung phong phú, sâu sắc khiến người đọc tâm đắc và ghi nhớ? Và có bao nhiêu cuốn sách chỉ là chiêu trò “câu” độc giả? “Nhiều lần đi chọn sách tôi đã từng thấy không ít người chỉ nhìn xem đó có phải là cuốn sách được đánh giá là “best seller” hay không rồi mới quyết định mua”- ông Minh tâm sự. Ông Nguyễn Anh Tú - chủ một hiệu sách lớn ở quận Hoàn Kiếm khẳng định, sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu văn hóa, thẩm mĩ, gắn với bối cảnh sống của con người hiện nay đã đặt không ít NXB vào tình thế không thể không có những chính sách thu hút công chúng. Loạn “best seller” là kết quả của một trong cách hoạt động ấy. Sách được gắn mác “best seller” là một “chiêu” để thu hút sự chú ý, gây tin cậy đối với độc giả. Tuy nhiên, do sự ồ ạt xâm nhập thị trường, cùng sự thiếu minh bạch của các đơn vị theo dõi và xếp hạng “best seller” nên nhãn mác này cũng dần giảm sút niềm tin trong công chúng. Sách “best seller” là một con bài trong sách lược của một số NXB. Chưa hẳn những cuốn sách được xếp vào hàng “best seller” mới là những cuốn sách hay bởi chất lượng cuốn sách phụ thuộc vào nội dung mà nó truyền tải. Vậy nên, độc giả hãy là một người đọc sách thông thái, hãy đọc những cuốn sách mình cảm thấy hay, thích thú chứ không chỉ là những cuốn sách được người khác công nhận là hay.